TRÁCH NHIỆM MỞ RỘNG CỦA NHÀ SẢN XUẤT, NHẬP KHẨU
(Extended Producer Responsibility – EPR)

 

1. EPR là gì? 
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách Môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Trên thực tế, EPR yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. Hệ thống EPR cho phép nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm của mình hoặc bằng cách cung cấp các nguồn tài chính cần thiết và/ hoặc bắt đầu tiếp quản một số khía cạnh vận hành trong quy trình quản lý chất thải rắn từ các đô thị. Trách nhiệm có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc; Hệ thống EPR có thể được thực hiện riêng lẻ hoặc theo nhóm/ tập thể. [1]
Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về EPR khác nhau đưa ra bởi các nhóm, tổ chức khác nhau. Định nghĩa nêu trên được đưa ra bởi UNEP theo Công ước về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (BASEL) được 186 quốc gia và vùng lãnh thổ ký kết và phê chuẩn. Việt Nam lựa chọn định nghĩa này bởi Việt Nam là thành viên của Công ước BASEL từ năm 1995.

 

2. Vì sao không gọi là luật về EPR?
Như định nghĩa, EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường chứ bản thân EPR không phải là công cụ pháp luật hay chính sách cụ thể. Hệ thống EPR thể hiện thông qua các công cụ chính sách khác nhau và/ hoặc được kết hợp các công cụ với nhau tuỳ thuộc vào bối cảnh quốc gia, mục tiêu ưu tiên cũng như đặc điểm của từng dòng chất thải. Trên thực tế, các quốc gia lựa chọn các công cụ chính sách khác nhau với các mục tiêu khác nhau nên các chính sách, hay quy định pháp luật này thường được gọi dưới các tên gọi như Luật về tuần hoàn tài nguyên, Luật về tái chế,… mà không gọi là Luật về EPR. Ở Nhật Bản có khoảng 10 luật khác nhau sử dụng cách tiếp cận của EPR, thường được gọi bằng các tên gọi cụ thể hay gọi chung là EPR-based laws trong các tài liệu nghiên cứu.

3. Cách tiếp cận của EPR là gì? 
Ý tưởng về EPR được phát triển ở những quốc gia OECD những năm 1980 nhằm đáp ứng với sự gia tăng nhanh chóng cả về số lượng lẫn sự đa dạng và phức tạp của dòng rác và yêu cầu xử lý chúng. Trong khi đó những chính sách môi trường truyền thống vốn tập trung vào khâu xử lý chất thải không đáp ứng và bù đắp được sự gia tăng chi phí phát triển các bãi chôn lấp và lò đốt rác mới cũng như quản lý chúng đáp ứng các yêu cầu môi trường và sức khoẻ cộng đồng dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ người dân. Vì vậy, mục tiêu của các chính sách môi trường được điều chỉnh thay vì tập trung vào xử lý chất thải như truyền thống mà chuyển sang ưu tiên việc ngăn ngừa và giảm việc tạo ra chất thải, tăng cường tái chế và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Nhận thức về tác động môi trường của sản phẩm cũng không chỉ dừng ở giai đoạn thải bỏ mà được mở rộng theo toàn bộ vòng đời của sản phẩm (Life-Cycle Management), nhất là trong lựa chọn nguyên liệu và thiết kế sản phẩm. Quan điểm về “Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền” (Polluter-Pay Principle) vì vậy được mở rộng tới những bên tham gia vào chuỗi sản phẩm cũng phải chia sẻ trách nhiệm môi trường do sản phẩm gây ra thay vì chỉ là trách nhiệm của người thải bỏ cuối cùng. EPR giải quyết những thách thức môi trường bằng cách chuyển gánh nặng tài chính của việc quản lý các sản phẩm cuối vòng đời từ chính quyền các thành phố và người nộp thuế nói chung sang nhà sản xuất, nhập khẩu. Việc chuyển giao này tạo động lực cho các nhà sản xuất, nhập khẩu tính toán và cân nhắc chi phí quản lý môi trường cho suốt vòng đời sản phẩm ngay từ khi thiết kế để thuận lợi cho việc quản lý sản phẩm ở cuối vòng đời, tránh gây rủi ro cho sức khỏe con người và môi trường. Do đó, EPR được kỳ vọng sẽ làm giảm khối lượng chất thải được xử lý cuối cùng, tăng tỷ lệ tái chế, tạo động lực cho việc ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải tại nguồn.
Do Nhà sản xuất có vai trò đặc biệt tác động tới toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ tác động thượng nguồn trong việc lựa chọn nguyên liệu, thiết kế sản phẩm, đến tác động từ chính quá trình sản xuất của mình và tới tác động người dùng ở hạ nguồn thông qua bảo hành, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng và cả thải bỏ các sản phẩm. Nhà sản xuất vì vậy có hiểu biết nhất về sản phẩm và có quyền quyết định nhiều nhất trong các đặc tính của sản phẩm cũng như khả năng thu hồi và tái chế của chúng sau tiêu dùng, do đó phải chịu trách nhiệm với tác động môi trường của sản phẩm mà mình sản xuất. Chính vì vậy, cách tiếp cận này được gọi tên là Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất, nhập khẩu.

 


[1] United Nations / Basel Convention (2019) Revised draft practical manual on Extended Producer Responsibility. Section II. UNEP/CHW.14/5/Add.1. Adopted by the 14th Meeting of the Conference of the Parties of the Basel Convention on the Control of Transboundary Movements of Hazardous Wastes and Their Disposal, 29 April-10 May 2019. Available at http://www.basel.int/TheConvention/ConferenceoftheParties/%20Meetings/COP14/tabid/7520/Default.aspx

 

Menu